5 bước xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố toàn diện

Trong bối cảnh các vụ tấn công mạng diễn ra dồn dập, doanh nghiệp cần phải cảnh giác và đầu tư hơn nữa vào hệ thống phòng thủ của mình. Tuy nhiên, dù hệ thống phòng thủ có hiện đại đến đâu thì tin tặc, với những kỹ thuật tinh vi của mình, vẫn có thể xâm nhập và tấn công vào doanh nghiệp. Lúc này, một kế hoạch ứng cứu sự cố (Incident Respond Plan – IRP) sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu mức độ tổn thất và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.

Tổng quan về kế hoạch ứng cứu sự cố 

Kế hoạch ứng cứu sự cố sẽ cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan nhất về các công việc cần làm, phương pháp xử lý các cuộc tấn công mạng, cho dù đó là tấn công ransomware hay tấn công DDoS. Bên cạnh đó, kế hoạch ứng cứu sự cố cũng đưa ra đánh giá về các nguy cơ hoặc điểm yếu an ninh đang tồn tại trên hệ thống mạng của doanh nghiệp.

Để xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố hoàn chỉnh, doanh nghiệp nên áp dụng năm bước dưới đây.

1. Bước 1: Đánh giá tài chính của doanh nghiệp

ke-hoach-ung-cuu-su-co-1

Chi phí đầu tư cho an ninh mạng khá lớn, bao gồm: thiết bị, phần mềm và con người. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mất thêm khoản phí phát sinh từ các sự cố tấn công mạng. Tùy vào quy mô của cuộc tấn công mà doanh nghiệp có thể bị tổn thất từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng. 

Xem thêm: Thiệt hại do tấn công mạng: Doanh nghiệp phải gánh chịu những gì?

Các cuộc tấn công trên mạng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Đó là lý do doanh nghiệp cần chuẩn bị năng lực tài chính để sẵn sàng ứng cứu sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

2. Bước 2: Đánh giá mức độ rủi ro

Tương tự như đánh giá về mặt tài chính, doanh nghiệp cũng cần phải xem xét kỹ những nguy cơ an ninh mà mình đang phải đối mặt.

  • Doanh nghiệp chuyên về dữ liệu: dễ bị đánh cắp dữ liệu.
  • Doanh nghiệp sở hữu danh sách các website với lượng truy cập lớn: dễ bị tấn công DDoS.
  • Doanh nghiệp không cài đặt tường lửa, IPS: dễ bị tấn công xâm nhập.
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử: dễ bị đánh cắp thông tin khách hàng. 

Để đánh giá mức độ rủi ro và nguy cơ mất an toàn thông tin, doanh nghiệp nên tổ chức một buổi họp với các nhân viên về vấn đề này. Buổi thảo luận bao gồm cả trưởng nhóm IR, chuyên viên phân tích lỗ hổng, giám đốc IT và những nhân sự có liên quan.

3. Bước 3: Xây dựng kế hoạch hành động

Đây là giai đoạn doanh nghiệp đưa ra chính sách để kiểm soát các sự cố trong những tình huống cụ thể.

Một bản kế hoạch ứng cứu sự cố bao gồm 6 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1 – chuẩn bị. Chuẩn bị các kịch bản sự cố có thể xảy ra và tiến hành diễn tập. Chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn, quy trình và các công cụ cần thiết để thực hiện.
  • Giai đoạn 2 – xác định. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường, doanh nghiệp cần xác định xem đó có phải là một sự cố mạng hay không. Sau khi xác định xong, doanh nghiệp cần phân loại sự cố vào trong một nhóm cụ thể để có phương án xử lí tương ứng.
  • Giai đoạn 3 – hạn chế. Giảm thiểu thiệt hại do sự cố bằng cách cô lập các hệ thống bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn 4- xóa bỏ. Tìm ra nguyên nhân của sự cố. Loại bỏ các hệ thống bị ảnh hưởng từ môi trường bên trong.
  • Giai đoạn 5- phục hồi. Cho phép các hệ thống bị ảnh hưởng trở lại môi trường an toàn. Đảm bảo không tồn đọng mối đe dọa liên quan tới vấn đề an ninh mạng.
  • Giai đoạn 6 – bài học kinh nghiệm. Phân tích sự cố để cải thiện các nỗ lực ứng cứu trong tương lai.

4. Bước 4: Thành lập đội ứng cứu sự cố

Trong quá trình xử lý sự cố, mỗi nhân sự sẽ đảm nhiệm một vai trò khác nhau. Các thành viên trong trong nhóm ứng cứu sự cố bao gồm:

  • Trưởng nhóm
  • Chuyên viên phân tích lỗ hổng
  • Chuyên viên nghiên cứu về các nguy cơ
  • Giám đốc IT
  • Hành chính nhân sự

Các thành viên trong nhóm cần ghi lại những hoạt động trong suốt quá trình ứng cứu để đảm bảo thực hiện đúng theo quy trình các bước mà bản kế hoạch đã đưa ra.

5. Bước 5: Đào tạo nhân sự

Đào tạo kỹ năng và chuyên môn là chìa khóa giúp tổ chức có những phản ứng hiệu quả trước các cuộc tấn công mạng. Cho dù kế hoạch ứng cứu sự cố có hoàn hảo đến đâu nhưng nếu nhân viên không biết cách áp dụng thì kế hoạch cũng không còn ý nghĩa.

Bên cạnh đó, những buổi tập huấn này sẽ không chỉ giúp nhóm IR giải đáp được các vấn đề về bảo mật mà còn giúp doanh nghiệp xác định các kiến thức và kỹ năng cần cải thiện.

Với năm bước xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố nêu trên, hy vọng doanh nghiệp sẽ tự thiết kế được cho mình bản kế hoạch phù hợp để có thể bình tĩnh đối phó với bất kỳ sự cố nào xảy ra.

Nếu doanh nghiệp cần tư vấn thêm về an ninh mạng, hãy đăng ký để nhận tư vấn miễn phí.