7 cách phòng tránh vi phạm dữ liệu năm 2021

Vi phạm dữ liệu xảy ra khi bảo mật dữ liệu bị xâm phạm, dẫn đến thông tin nhạy cảm bị lộ, bị truyền đi, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng bởi những người không phải chủ sở hữu.

Các mục tiêu phổ biến mà tin tặc tìm kiếm bao gồm:

  • Thông tin tài chính như số thẻ tín dụng.
  • Dữ liệu cá nhân như số chứng minh thư để đánh cắp danh tính.
  • Thông tin nhận dạng cá nhân như số điện thoại và tài khoản mạng xã hội.
  • Dữ liệu quan trọng của tổ chức và doanh nghiệp như nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh.

Cho dù bạn là doanh nghiệp nhỏ hay lớn, luôn có những kỹ thuật ngăn chặn vi phạm dữ liệu cơ bản mà bạn có thể áp dụng để hạn chế các rủi ro bảo mật.

Doanh nghiệp của tôi có cần phải lo lắng về việc vi phạm dữ liệu không?

Bất kể quy mô doanh nghiệp của bạn như thế nào, bạn luôn cần cố gắng hết sức để ngăn chặn vi phạm dữ liệu. Thông thường, truyền thông chỉ đưa tin về các vụ vi phạm dữ liệu xảy ra ở các tập đoàn lớn như Yahoo, Google, Equifax… Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ lầm tưởng rằng: tôi không nằm trong tầm ngắm của tin tặc. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ cũng là mục tiêu của các vụ vi phạm dữ liệu không khác gì các tập đoàn lớn. Bởi trong mắt tin tặc, các doanh nghiệp nhỏ sở hữu khá nhiều dữ liệu có giá trị:

  • Thông tin nhận dạng cá nhân của nhân viên như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư…
  • Tên khách hàng, địa chỉ email, số điện thoại và mật khẩu
  • Thông tin ngân hàng bao gồm tài khoản và số định tuyến
  • Số thẻ tín dụng

Mặc dù các vụ vi phạm dữ liệu tại các tổ chức lớn mang về cho tin tặc khoản tiền lớn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ thường bảo mật lỏng lẻo hơn, thậm chí không có đội ngũ bảo mật. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công hơn. 

Các vụ vi phạm dữ liệu xảy ra như thế nào?

Tin tặc ngày càng tinh vi trong việc nghĩ ra những cách thức mới để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Ví dụ, năm 2017, bằng cách khai thác một lỗ hổng trong các phiên bản Microsoft Windows cũ, ransomware WannaCry đã tấn công và làm ảnh hưởng đến hơn 200.000 nạn nhân ở 150 quốc gia trên toàn thế giới. Lỗ hổng bảo mật này đã được vá một vài tháng trước đó. Tuy nhiên, việc nhiều người dùng Windows không có thói quen cập nhật hệ điều hành của họ đã gây ra hậu quả là bị Wannacry tấn công. 

Tuy nhiên, nhiều vụ vi phạm dữ liệu không phải do các mối đe dọa bảo mật tinh vi gây ra. Trên thực tế, nhiều trường hợp là do lỗi của người dùng như cấu hình kém, mã hóa yếu hoặc xuất phát từ vi phạm của nhà cung cấp thứ ba và thứ tư. Đây được gọi là rò rỉ dữ liệu.

Nói chung, có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc vi phạm bảo mật, bao gồm:

  • Rò rỉ dữ liệu
  • Lừa đảo
  • Mật khẩu bị mất, bị đánh cắp hoặc bị bẻ khóa
  • Ransomware – mã độc tống tiền
  • Lỗ hổng bảo mật bị khai thác
  • Phần mềm gián điệp
  • Vi phạm dữ liệu của bên thứ ba và thứ tư

Mặc dù tin tặc đã sử dụng những kỹ thuật này trong nhiều năm, nhiều tổ chức vẫn bị “sa bẫy”. Hãy cùng tìm hiểu cách phòng chống vi phạm dữ liệu trong từng trường hợp dưới đây.

Cách ngăn chặn rò rỉ dữ liệu

Rò rỉ dữ liệu là khi dữ liệu vô tình bị lộ trên Internet hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác, bao gồm cả việc mất ổ cứng hoặc máy tính. Một dạng rò rỉ dữ liệu phổ biến đó là rò rỉ đám mây. Tình trạng này xảy ra khi các dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây có cấu hình kém, dẫn đến việc dữ liệu được Google thu thập và đưa lên Internet. 

AWS, Azure, Google Cloud Platform (GCP) và các kho lưu trữ GitHub đều đã được chứng minh là có thể gây ra rò rỉ dữ liệu ngoài ý muốn nếu bị cấu hình kém. Để ngăn chặn rò rỉ dữ liệu, hãy sử dụng các công cụ quản lý cấu hình để đảm bảo các dịch vụ đám mây không để lộ dữ liệu trên Internet.

Cách ngăn chặn vi phạm dữ liệu liên quan đến phishing

Phishing là một dạng của hình thức tấn công social engineering. Trong đó, tin tặc cố gắng thu thập thông tin nhạy cảm như thông tin đăng nhập, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và thông tin tài chính khác bằng cách giả mạo một trang web hoặc một email hợp pháp. Trang web hoặc email giả mạo này thường sử dụng các từ ngữ mang tính cấp bách để thúc giục nạn nhân cung cấp thông tin. 

Để ngăn chặn phishing, hãy hướng dẫn nhân viên cách nhận diện email và trang web lừa đảo. Một biện pháp tối ưu khác đó là sử dụng trình quản lý mật khẩu mà chỉ cho phép người dùng nhập mật khẩu trên các trang web hợp pháp.

Cách phòng tránh mật khẩu bị mất, bị đánh cắp hoặc bị bẻ khóa

Trong nhiều trường hợp, mật khẩu kém có thể dẫn đến các vụ vi phạm dữ liệu. Ví dụ, một nhân viên sử dụng mật khẩu phổ biến dễ bị bẻ khóa hoặc dễ đoán như abc12345. Để ngăn chặn các vụ vi phạm dữ liệu liên quan đến mật khẩu, hãy nhấn mạnh sự cần thiết của bảo mật mật khẩu với toàn bộ nhân viên. Các doanh nghiệp nên yêu cầu nhân viên đặt mật khẩu mạnh và không ghi chúng ra giấy. Đối với các hệ thống chứa dữ liệu nhạy cảm, hãy sử dụng xác thực đa yếu tố để gia tăng tính bảo mật.

Cách ngăn chặn vi phạm dữ liệu do ransomware (mã độc tống tiền)

Ransomware là một loại phần mềm độc hại được thiết kế để từ chối người dùng truy cập vào máy tính hoặc mã hóa dữ liệu cho đến khi nạn nhân trả tiền chuộc. Ransomware thường lây lan thông qua hình thức tấn công phishing hoặc bằng cách khai thác lỗ hổng như hoạt động khai thác lỗ hổng EternalBlue của mã độc WannaCry.

Để ngăn chặn vi phạm dữ liệu liên quan đến ransomware, hãy cân nhắc cài đặt phần mềm chống mã độc và phần mềm diệt virus. Đồng thời, doanh nghiệp nên sao lưu các tệp tin để có thể lấy lại dữ liệu trong trường hợp bị tấn công. 

Cách ngăn chặn vi phạm dữ liệu do khai thác lỗ hổng bảo mật

Lỗ hổng bảo mật là những điểm yếu mà tin tặc có thể lợi dụng để truy cập trái phép hoặc thực hiện các hành vi trái phép của mình. Để theo dõi các lỗ hổng mới, doanh nghiệp có thể truy cập website: https://cve.mitre.org/. Đây là trang web nêu rõ các lỗ hổng và rủi ro bảo mật được tiết lộ công khai.

Để ngăn chặn các vi phạm dữ liệu liên quan đến lỗ hổng bảo mật, hãy đầu tư một công cụ rà quét lỗ hổng để có thể phát hiện và xử lý kịp thời.

Cách ngăn chặn vi phạm dữ liệu do phần mềm gián điệp

Phần mềm gián điệp là một dạng phần mềm độc hại lây nhiễm vào máy tính hoặc hệ thống mạng và đánh cắp thông tin. Nó có thể lây lan qua phần mềm, tấn công phishing hoặc lây nhiễm thứ cấp từ một cuộc tấn công mạng khác.

Giống như ransomware, để ngăn chặn phần mềm gián điệp, hãy sử dụng phần mềm antivirus and antimalware đồng thời đào tạo nhận thức chung cho nhân viên về an ninh mạng.

Cách ngăn chặn vi phạm dữ liệu do bên thứ ba và thứ tư

Hầu hết các tổ chức đều sử dụng một hoặc một vài dịch vụ của các đơn vị bên ngoài để phục vụ hoạt động vận hành của mình (outsourcing). Các đơn bị bên ngoài đó lại thuê ngoài một vài dịch vụ từ các nhà cung cấp khác. Điều này dẫn đến rủi ro xuất phát từ bên thứ ba và bên thứ tư. Đây là lý do tại sao việc quản lý rủi ro của các bên thứ ba và thứ tư lại là nền tảng để ngăn chặn vi phạm dữ liệu.

Các chương trình quản lý rủi ro của nhà cung cấp là một kế hoạch toàn diện để xác định và giảm thiểu những trách nhiệm pháp lý và thiệt hại về uy tín do bên thứ ba và thứ tư gây ra.

Để ngăn chặn vi phạm dữ liệu của bên thứ ba và thứ tư, hãy đầu tư vào một công cụ có thể tự động giám sát các rủi ro an ninh mạng của bên thứ ba và thứ tư. Công cụ này cần có khả năng theo dõi hiệu suất bảo mật của họ theo thời gian và so sánh chúng với các điểm chuẩn của ngành.

Nếu thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo mật, doanh nghiệp sẽ có thể ngăn chặn và phòng tránh vi phạm dữ liệu xảy ra. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu bảo mật dữ liệu, hãy đăng ký để được SecurityBox hỗ trợ.