10 dấu hiệu nhận biết website bị hack và cách xử lý

Website của doanh nghiệp phải đối mặt với các mối đe dọa bảo mật hàng ngày, hàng giờ. Bởi các thông tin quan trọng trong website chính là “miếng mồi ngon” đối với tin tặc. Dưới đây là 10 dấu hiệu nhận biết website bị hack và cách xử lý dành cho doanh nghiệp.

1. 10 dấu hiệu nhận biết website bị hack

Nhận biết website bị hack sớm sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các phương án xử lý kịp thời để giảm nhẹ hậu quả có thể xảy ra.

1.1. Trang chủ hoặc trang con bị thay đổi giao diện 

Tin tặc thường hành động âm thầm khi xâm nhập vào một website. Bởi nếu bị phát hiện sớm, chúng có thể không thực hiện được ý đồ của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng lại công khai hành động của mình bằng cách thay đổi nội dung website của nạn nhân. Đây chính là hình thức tấn công thay đổi giao diện (deface). Mục đích của việc tấn công deface có thể là cảnh báo cho quản trị viên biết website đang tồn tại nhiều lỗ hổng hoặc nhằm lăng mạ, bôi nhọ tổ chức đó. 

1.2. Lưu lượng truy cập website giảm đột ngột

Hãy cẩn trọng nếu lưu lượng truy cập website của doanh nghiệp giảm đột ngột. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo website bị hack. Khi tin tặc xâm nhập vào website, chúng thường chèn các đường link độc hại vào trang web. Việc này khiến thứ hạng website bị tụt nhanh chóng. Để kiểm tra trạng thái an toàn của website, doanh nghiệp hãy truy cập đường link sau: https://transparencyreport.google.com/safe-browsing/search.

1.3. URL website bị chuyển hướng đến một website khác

Khi website của doanh nghiệp bị nhiễm mã độc, chúng sẽ chuyển hướng người dùng sang một website khác. Website mà tin tặc chuyển tới thường yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Cụ thể như họ tên, email, SĐT, địa chỉ, thậm chí là thông tin tài khoản ngân hàng. Chúng dụ người dùng thực hiện bằng những phần quà giá trị lớn, voucher giảm giá hay các tiện ích miễn phí… Nếu thấy website của mình có dấu hiệu này, doanh nghiệp hãy xử lý ngay lập tức để tránh gây thiệt hại cho khách hàng. 

Khám phá: Quy trình 11 bước bảo mật website toàn diện cho doanh nghiệp

1.4. Xuất hiện các tập tin lạ trên website

Tin tặc thường chèn tập tin chứa mã độc vào website để đánh cắp dữ liệu hoặc phá hủy hệ thống. Để tránh bị phát hiện, các tập tin này sẽ được đặt tên như các tập tin bình thường. Các tập tin này tập trung chủ yếu trong thư mục /wp-content/ và thư mục con của nó.  

1.5. Website phản hồi chậm

Nếu một website đột nhiên phản hồi chậm thì rất có thể website đó đã bị tấn công DDoS. DDOS là hình thức tấn công bằng việc sử dụng nhiều thiết bị, máy tính khác nhau để đánh sập server. DDOS xảy ra khi có một lượng truy cập khổng lồ vào website cùng 1 lúc, làm cho website bị gián đoạn hoặc ngưng hoạt động. Khi đó, doanh nghiệp cần kiểm tra xem IP nào đang gây ra quá nhiều yêu cầu truy cập và chặn chúng lại. 

1.6. Xuất hiện quảng cáo hoặc pop-up lạ trên website

Khi chiếm được quyền điều khiển website, tin tặc sẽ đặt quảng cáo hoặc pop-up để kiếm tiền hoặc để phục vụ mục đích riêng của chúng. Các pop-up thường không hiển thị với khách đã đăng nhập hoặc truy cập trực tiếp. Chúng chỉ hiển thị với các người dùng truy cập thông qua trang kết quả tìm kiếm. 

1.7. Xuất hiện nhiều tài khoản người dùng đáng ngờ 

Tình trạng này thường xuất hiện ở những website cho phép người dùng đăng ký thành viên. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên chú ý tới việc xét duyệt thành viên đăng ký cũng như xem xét việc tham gia đóng góp của họ trên website. Những tài khoản đáng ngờ này thường đóng vai trò quản trị viên. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, doanh nghiệp còn không thể xoá, loại bỏ họ khỏi website của mình. Từ đó, gây nên nhiều vấn đề nguy hiểm cho website của doanh nghiệp.

1.8. Không thể đăng nhập vào website

Đột nhiên doanh nghiệp không thể truy cập được vào website của mình? Trong trường hợp này, tài khoản của doanh nghiệp có thể đã không còn tồn tại nữa. Nếu website của doanh nghiệp bị hack, thường sẽ không thể lấy lại hay thực hiện đặt lại mật khẩu. Lúc này, cách duy nhất để đăng nhập được chính là lấy lại website từ các tin tặc.

1.9. Hoạt động bất thường trong nhật kí máy chủ

Hoạt động ghi lại nhật ký hoạt động (log) trên các máy chủ vô cùng quan trọng. Thông qua việc phân tích log, quản trị viên sẽ biết được ai đã truy cập và thao tác những gì trên các tài nguyên lưu trữ trên máy chủ. Vì vậy, nếu quản trị viên nhận thấy hoạt động bất thường trong nhật ký máy chủ thì khả năng cao là website đã bị hack. Để ghi lại nhật ký hoạt động, đầu tiên quản trị viên cần bật tính năng kiểm soát trên máy chủ và xác định những tài nguyên nào cần kiểm soát.

1.10. Xuất hiện các liên kết bất thường

Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất khi website của doanh nghiệp bị hack. Nó được biết đến với hình thức chèn dữ liệu ẩn, thêm link xấu vào website bị hack. Các hacker thực hiện việc này bằng cách tạo một backdoor để sửa đổi cơ sở dữ liệu trên trang của doanh nghiệp.

2. Cách thức xử lý khi website bị hack

2.1. Bước 1: Cách ly website

Khi phát hiện sự cố, doanh nghiệp cần cách ly website khỏi khu vực bị tấn công. Thao tác này nhằm hạn chế nguy cơ tin tặc tấn công lan rộng. Tiếp theo, doanh nghiệp cần đánh giá nhanh tác động của sự cố với website. Cụ thể, trang nào đã bị xâm nhập, dữ liệu nào đã bị lấy cắp, mức độ ảnh hưởng ra sao. Trong bước này, doanh nghiệp cần lưu lại hình ảnh khi website bị hack để phục vụ cho mục đích điều tra sau này. 

2.2. Bước 2: Khởi động hệ thống dự phòng 

Sau khi cách ly website, doanh nghiệp phải khởi động hệ thống dự phòng. Doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn dữ liệu được sao lưu gần nhất để đưa hệ thống vận hành trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thiết lập hàng rào bảo vệ cho hệ thống dự phòng. Điều này giúp ngăn chặn tin tặc tấn công một lần nữa.

2.3. Bước 3: Giải quyết sự cố tấn công 

Trong bước này, để giải quyết triệt để sự cố, doanh nghiệp cần loại bỏ mọi tập tin giả mạo và chương trình độc hại tồn tại trên website. Sau đó, doanh nghiệp cần backup lại toàn bộ dữ liệu đã bị xâm nhập. Trong bước này, việc phát hiện ra các lỗ hổng còn tồn tại trên website cũng rất cần thiết. Dịch vụ đánh giá an ninh website của SecurityBox sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện điều này. Bằng cách giám sát website 24/7, các chuyên gia của SecurityBox sẽ tìm ra các lỗ hổng bảo mật trên website, sau đó đề xuất cách giải quyết triệt để. Từ đó, doanh nghiệp có thể ngăn chặn tin tặc tiếp tục tấn công vào website sau đó. 

2.4. Bước 4: Khôi phục thiệt hại từ tấn công mạng

Sau khi xử lý sự cố xong, doanh nghiệp cần khôi phục lại hệ thống. Đây là lúc để doanh nghiệp đánh giá kỹ càng mức độ thiệt hại do sự cố gây ra. Nếu thất thoát dữ liệu, doanh nghiệp nên thông báo cho khách hàng. Từ đó họ cảnh giác với các yêu cầu đáng ngờ đến từ tin tặc. Nếu dữ liệu bị mã hóa, doanh nghiệp cần tìm các biện pháp để nhanh chóng khôi phục lại. Mọi thao tác trong quá trình khôi phục đều cần được ghi lại để làm cơ sở cho việc điều tra sự cố. 

2.5. Bước 5: Điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố

Sau khi đã hoàn tất việc xử lý sự cố và khôi phục thiệt hại, doanh nghiệp cần tạo báo cáo sự cố hoàn chỉnh. Đây là bản ghi hệ thống lại toàn bộ thông tin về sự cố cũng như các bước trong quá trình xử lý hậu quả. Từ báo cáo này, doanh nghiệp mới có thể điều tra được nguyên nhân gây ra sự cố và tìm cách củng cố hệ thống vững chắc hơn. 

2.6. Bước 6: Theo dõi website sau sự cố

Sau khi website đã trở lại trạng thái bình thường, doanh nghiệp càng phải giám sát tình trạng an ninh chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp nên cập nhật thường xuyên tin tức về các mối đe dọa mới để đề xuất các biện pháp phòng tránh phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tổ chức các buổi đào tạo nhận thức an ninh mạng cho toàn bộ nhân viên nhằm tránh những rủi ro bảo mật xuất phát từ yếu tố con người. 

Nếu doanh nghiệp cần tư vấn về bảo vệ an ninh website, hãy để lại thông tin để nhận hỗ trợ.